ĐT Nhật Bản có rất nhiều yếu tố để trở thành một cường quốc bóng đá: nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, dân số 125 triệu người, là một quốc gia yêu chuộng bóng đá, có một giải đấu quốc nội chất lượng và cơ sở hạ tầng ổn định đến từ kỳ World Cup 2002 mà Nhật Bản đồng tổ chức với Hàn Quốc. Hãy cùng k8cc phân tích kĩ hơn nhé.
Tâm lý chiến đấu như những Samurai
Nhưng đã 20 năm trôi qua, và chúng ta vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng rằng đội tuyển Nhật Bản đã tiến bộ đến mức nào. Tại Qatar, họ đã mang đến cho người hâm mộ của mình một trong những ngày tuyệt vời nhất trong lịch sử tham dự World Cup của Nhật Bản, và sau đó là một trong những ngày tồi tệ nhất.
Màn lội ngược dòng 2-1 trước đối thủ mạnh là ĐT Đức của Nhật Bản là một chiến tích chói lọi của Samurai Blue và là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất của giải đấu lần này. Tất cả những gì họ cần làm là đánh bại Costa Rica tại SVĐ Ahmad bin Ali để đặt một chân vào vòng 16 đội.
Nhật Bản đã kiểm soát thế trận, nhưng lại để thủng lưới trước cú sút trúng đích duy nhất của Costa Rica khi trận đấu còn chín phút. Giờ thì họ phải đấu với Tây Ban Nha, và nhìn chung, Nhật Bản có 2 còn đường để lọt vào vòng đấu loại trực tiếp. Hoặc là họ đánh bại đội bóng của Luis Enrique, hoặc một khả năng khác rất khó xảy ra, đó là Nhật Bản cầm hòa Tây Ban Nha, còn Đức không thắng được Costa Rica.
Nếu ĐT Nhât Bản muốn tìm lý do để lạc quan, thì đó là 2 trận đấu đầu tiên của họ đều đi ngược với kỳ vọng. Đầu tiên là đánh bại Đức và sau đó thua Costa Rica. Nếu quy luật vẫn được giữ nguyên thì họ vẫn có cơ hội xuất hiện ở vòng 16 đội vào tuần tới, thay vì xách va li về nước.
Một trong những điểm mạnh của đội tuyển Nhật Bản hiện tại so với các phiên bản trước là rất nhiều người trong số họ đang chơi bóng ở châu Âu. 19 trong số 26 cầu thủ hiện đang chơi thi đấu ở châu Âu và có nhiều cầu thủ (8) thi đấu ở Bundesliga hơn là ở J League (7).
Thậm chí trong số bảy người đó còn có Yuto Nagatomo, người đã có 11 năm tung hoành ở châu Âu, chơi hơn 200 trận cho Inter Milan; và Hiroki Sakai, người đã thành công ở Đức và Pháp. Tất cả những kinh nghiệm tích lũy được ở châu Âu đã giúp cho đội tuyển Nhật Bản đến với World Cup lần này với tâm thế khác hẳn các bậc tiền bối. Nhật Bản không hề mặc cảm khi bước vào trận đấu với Đức, vì trước mắt họ là những đối thủ mà họ vẫn thường đối đầu hàng tuần.
Ngay cả khi bị dẫn trước 1-0, màn trình diễn của đội tuyển Nhật Bản trong hiệp một vẫn là một bức tranh tĩnh lặng. Hajime Moriyasu đã thực hiện sự thay đổi cần thiết, với 5 cái tên vào sân từ ghế dự bị, đồng thời từ bỏ sơ đồ phòng thủ 4 hậu vệ. Các cầu thủ đã thoải mái và tập trung. Họ biết mình phải làm gì để lật ngược thế trận. Và sau đó họ đi ra ngoài và thực hiện nhiệm vụ đã được huấn luyện viên giao phó.
Bốn ngày sau, Nhật Bản gặp Costa Rica. Họ biết rằng một chiến thắng có thể giúp họ đi tiếp với ngôi đầu bảng. Có thể do căng thẳng, có thể do thiếu động lực, nhưng Nhật Bản đã khởi đầu rất tệ. Dù đã cố áp đặt thế trận, nhưng Nhật bản không đủ sắc sảo để ghi bàn. Costa Rica đã thắng trận đấu chỉ bằng đợt tấn công đầu tiên của họ.
Có lẽ các cầu thủ sẽ cố gắng lặp lại màn trình diễn của họ trong trận đấu với Đức vào tối thứ Năm, và tạo nên một chiến thắng thậm chí còn ấn tượng hơn nữa. Và Nhật Bản đã lại đánh bại Tây Ban Nha với tỉ số 2-1 với cùng kịch bản thắng Đức để lọt vào vòng 16 đội lần thứ tư với vị thế đứng đầu bảng, mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho bóng đá Nhật Bản đã xuất hiện. Tương lai đó được bồi đắp nhờ quá trình đào tạo các cầu thủ giỏi và đều đặn xuất khẩu họ đến các giải đấu lớn của châu Âu.
Các cầu thủ Nhật Bản chắc chắn đã trở nên nổi tiếng hơn đối với các CLB châu Âu trong những năm gần đây. Theo truyền thống, người ta thường nói đùa rằng một CLB châu Âu luôn để mắt đến các cơ hội thương mại khi tiến hành mua một cầu thủ Nhật Bản. Điều này vừa không công bằng đối với cầu thủ Nhật Bản, vừa không có dẫn chứng nào cụ thể để chứng minh tính chính xác.
Phủ sóng trời Âu
Nhưng bây giờ, các CLB châu Âu biết rằng họ có thể tìm thấy những cầu thủ ở Nhật Bản nói chung có chuyên môn cao, kỹ thuật, dễ huấn luyện và dễ thích nghi. Terry Westley, cựu HLV của học viện West Ham, hiện là giám đốc kỹ thuật của J League, thường xuyên được các câu lạc bộ châu Âu hỏi về các tài năng mới nổi ở Nhật Bản.
“Tâm lý là số một,” ông chia sẻ khi được hỏi điều gì ở một cầu thủ khiến các CLB châu Âu cảm thấy hấp dẫn. “Bạn sẽ thích một cầu thủ muốn tự cải thiện bản thân. Tất nhiên là cũng phải có kỹ thuật cơ bản. Nếu một cầu thủ trẻ Nhật bản được yêu cầu tập luyện đỡ bóng, anh ta sẽ không cảm thấy nhàm chán và thực sự lao vào tập luyện.”
Ngày trước, các cầu thủ Nhật Bản phải vật lộn với thể chất của bóng đá châu Âu, nhưng điều đó đang bắt đầu thay đổi. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2015, Maya Yoshida đã tiết lộ rằng “lý do lớn nhất” dẫn đến việc thiếu các cầu thủ Nhật Bản ở Premier League là do thể lực.
“Tôi là người cao nhất và to nhất trong đội tuyển quốc gia Nhật Bản, nhưng ở đó tôi chỉ là một người bình thường.” Yoshida chỉ vào những người đồng đội khi đó của anh ấy ở Southampton như Graziano Pelle và Fraser Forster và nói “ở Nhật Bản chúng tôi không có những cầu thủ như thế này”.
Một điều cũng không kém phần quan trọng đối với các CLB châu Âu, đó là các cầu thủ Nhật Bản thường có giá rất rẻ. Các câu lạc bộ biết rằng họ có thể ký hợp đồng với các cầu thủ từ giải VĐQG Nhật Bản với giá chỉ vài triệu. Brighton trả rất ít tiền để có Kaoru Mitoma từ Kawasaki Frontale vào năm 2021.
Giờ đây, chỉ sau nửa mùa giải Premier League, trông anh đã giống như một cầu thủ trị giá 20 triệu bảng. Năm 2018, Takehiro Tomiyasu rời Nhật Bản đến Bỉ với mức giá rẻ mạt, rồi chuyển đến Italia năm 2019 trước khi cập bến Arsenal với giá 16 triệu bảng năm 2021. Anh hiện là lựa chọn số một ở CLB đang dẫn đầu Premier League.
Theo truyền thống, không phải lúc nào các CLB Nhật Bản cũng quan tâm đến việc trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ sắp ra mắt. Ở hầu hết các giải đấu trên toàn thế giới, một CLB sẽ luôn thích cầu thủ trẻ hơn cầu thủ lớn tuổi nếu họ giỏi ngang nhau, đơn giản vì giá trị bán lại của một cầu thủ trẻ sẽ lớn hơn.
Nhưng “kính lão đắc thọ” đã là nét văn hóa tồn tại suốt một chặng đường dài ở Nhật Bản. Trước đây, cơ hội cho các cầu thủ trẻ bị hạn chế và chỉ gần đây các CLB J League mới bắt đầu quan tâm đến việc tạo điều kiện cho các “măng non” bước ra sân khấu.
“Chúng tôi đã nhấn mạnh ngay từ đầu là bạn có thể đưa một cầu thủ 17 tuổi vào đội một, nhưng điều này là không bình thường ở Nhật Bản,” Westley giải thích. “Những gì bạn bắt đầu thấy hiện nay là các cầu thủ trẻ bắt đầu ra mắt ở độ tuổi nhỏ hơn. Các câu lạc bộ bắt đầu hiểu rằng đó là phương án giúp họ có lợi tức đầu tư lớn hơn.”
Phát triển cầu thủ trẻ, để mắt đến thị trường châu Âu là điều mà Nhật Bản đang nỗ lực thực hiện trong những năm gần đây. Bên cạnh đó là cải thiện giải đấu quốc nội và cuối cùng là nâng cấp đội tuyển quốc gia. Người đóng vai trò trung tâm của công việc đó là Westley, người trước đây thuộc học viện West Ham United.
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2016 khi J League muốn cải thiện chất lượng cầu thủ bóng đá Nhật Bản. Ban kỹ thuật của họ đã thực hiện một chuyến đi công phu để tìm hiểu thực tế ở các học viện trên khắp châu Âu, và xem xét những gì họ có thể làm. Họ biết tiếng tăm của học viện West Ham và đã viết thư cho Westley, xin phép được đến quan sát các cầu thủ và phương pháp huấn luyện của đội bóng London.
Trời đổ mưa ở sân Chadwell Heath cũ của West Ham khi những người Nhật Bản đến và Westley, vốn đã ướt sũng vì tham gia một buổi tập trong mưa với các cầu thủ dưới 21 tuổi đã pha cho họ những tách cà phê đậm đà. Điều nổi bật đối với đội ngũ kỹ thuật Nhật Bản và điều mà họ không thấy ở nơi nào khác là cam kết của West Ham đối với sự phát triển của từng cá nhân. Tại West Ham, họ có kế hoạch cho mọi người, cầu thủ và nhân viên, và mọi người phải chịu trách nhiệm với những kế hoạch đó.
Sự phát triển của Declan Rice là một trường hợp điển hình. Đội tuyển Nhật Bản cảm thấy rằng công tác huấn luyện ở nước họ quá đơn điệu và họ cần tập trung vào những công việc cụ thể hơn để phát triển các cầu thủ. Họ thấy rằng đây là hướng đi của mọi đội bóng châu Âu. Bên cạnh đó, nhiều CLB Premier League hiện có huấn luyện viên cá nhân hoặc HLV trực tiếp giúp đỡ các cầu thủ chuyển từ môi trường học viện lên đội một.
Đội ngũ J League ấn tượng đến mức họ tiến hành trao đổi nhân sự với học viện West Ham, và sau đó CLB London cử một đội dưới 14 tuổi đến tham dự một giải đấu. Sau hai năm cử người đến West Ham, theo chiều ngược lại J League mong muốn gắn bó dài hạn với Westley.
Đầu tư dài hơi
Ông được mời làm giám đốc kỹ thuật toàn thời gian, còn giám đốc học viện West Ham khi đó – Adam Ramos cũng được mời làm giám đốc chiến lược của J League. Động lực phía sau điều này là Mitsuru Murai, người được bầu làm chủ tịch của J League vào tháng 1 năm 2014 và sau đó bắt đầu cố gắng thay đổi bóng đá Nhật Bản.
Ông đã chứng kiến EPPP (Kế hoạch cho các cầu thủ ưu tú của Premier League) thay đổi bóng đá Anh như thế nào, đồng thời cho phép các CLB lớn có thêm thời gian và nguồn lực để phát triển những cầu thủ trẻ tốt nhất của họ. Murai muốn nền bóng đá Nhật Bản cũng sẽ lột xác một cách thần kỳ như vậy.
“Cựu chủ tịch Murai San nhìn thấy giá trị của EPPP,” Westley nói. “Ông ấy muốn nhìn xa hơn những gì đang thực sự diễn ra. Tôi đã làm việc ở Premier League, tôi là một phần của dự án EPPP đó. Vì vậy, họ đã tìm được một người từng hoạt động trong lĩnh vực mà họ chưa từng tiếp cận.”
Murai bay tới London để xem Westley và Raimes ký hợp đồng, đồng thời thảo luận với họ về tầm nhìn của ông đối với bóng đá Nhật Bản. Đây là cách “Dự án DNA” ra đời. Nó là viết tắt của cụm từ “phát triển khả năng tự nhiên”, và trọng tâm trong đó là cải thiện sự phát triển cá nhân của cả cầu thủ và nhân viên.
Westley và nhóm của ông đã tổ chức một khóa học dành cho các giám đốc học viện, trưởng ban huấn luyện và lãnh đạo cấp cao, cũng như giới thiệu một hệ thống xếp hạng tương tự như cách phân loại của EPPP. “Murai có tầm nhìn hướng đến năm 2030,” Westley giải thích. “Đó chính là Project DNA. Hãy làm cho các cầu thủ giỏi hơn. Hãy làm cho các nhân viên tốt hơn. Hãy đánh giá vị trí hiện tại của các CLB. Và kế hoạch đã thành công.”
Murai từ chức vào đầu năm nay, sau ba nhiệm kỳ dẫn dắt J League, được thay thế bởi Yoshikazu Nonomura, người có cùng tầm nhìn với ông. Và Westley tin rằng vị chủ tịch mới cũng cam kết phát triển như người tiền nhiệm của mình. Có thể còn quá sớm để đặt chiến dịch World Cup 2022 vào Dự án DNA, nhưng hy vọng rằng tiến trình này sẽ còn tiếp tục trong tương lai, kể cả sau chiến thắng vang dội với ĐT Tây Ban Nha tại SVĐ Khalifa.
“Vị chủ tịch này cũng hiểu rằng họ cần thi đấu tốt, để thương hiệu bóng đá Nhật Bản trở nên lớn mạnh hơn,” Westley nói. “Họ cũng hiểu rõ rằng cần phải có một thế hệ cầu thủ tiếp theo, để duy trì sự tiến bộ mà họ đã có được trong thời gian gần đây. Họ đang cố gắng tạo ra một di sản.”